Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Có phải "đạo nào cũng tốt"!?


ĐẠO NÀO CŨNG TỐT

Việt Nam có câu “Đạo nào cũng tốt”. Câu này thoạt nghe qua có vẻ rất có lý và phải đạo. Nếu hiểu theo nghĩa là đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, làm điều thiện, … thì có thể nói câu này hợp lý. Thế nhưng nếu suy xét và phân tích kỹ câu này thì ẩn chứa một mối nguy hiểm nếu như con người lạm dụng ý nghĩa của nó. Vậy ta phải hiểu câu nói này như thế nào để tránh khỏi cái bẫy của nó?


Người Việt Nam mang đậm tính chất nữ tính và hòa tính. Nét văn hóa này đã để lại trong con người Việt Nam một tấm lòng yêu mến hòa bình, cởi mở, suy nghĩ thiên về tình cảm, đặc biệt là tính tôn giáo nơi người Việt rất cao. Với một sự khao khát sống hòa thuận với con người, với thiên nhiên, người Việt sẵn sàng đón nhận những tư tưởng tôn giáo khác nhau. Do đó mà người Việt có câu "Đạo nào cũng tốt" với quan niệm rằng tôn giáo là con đường giúp họ sống với lòng khao khát tín ngưỡng của mình. Đặc biệt khi Kitô giáo du nhập vào Việt Nam thì nó được đón nhận rất nhanh chóng. Quan niệm "Đạo nào cũng tốt" nghe qua có vẻ rất hợp lý và dễ chấp nhận. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nhận định lại quan niệm đó. Hơn nữa, như là một Kitô hữu Việt Nam, chúng ta cần nhìn lại mối tương quan giữa Kitô giáo và chất hòa tính và nữ tính mang tính thần bí dân dã của Văn hóa Việt Nam.

Một câu hỏi nghe qua có vẻ thật ngớ ngẩn: "Phải chăng mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau?" Có lẽ những ai phải "điên rồ" lắm mới nghi ngờ về sự bình đẳng của các giá trị tôn giáo. Tuy nhiên, với quan niệm như vậy con người rất dễ bị dẫn đến một cám dỗ về thuyết tương đối về tôn giáo.[1] Một niềm tin tôn giáo là một tuyệt đối mà con người bám víu vào trong một thế giới chóng qua, tạm bợ. Con người tự hỏi: có gì là tuyệt đối trong vũ trụ này không? Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Tiền bạc, danh vọng, vật chất đều đưa loài người tới sự đau khổ, trống vắng. Con người tìm đến tôn giáo như là một cái gì tuyệt đối. Tuy nhiên với quan niệm "đạo nào cũng tốt" con người đồng hóa niềm tin này với những gì là tương đối. Quan niệm đó sẽ đưa người ta tới một thái độ dửng dưng, thờ ơ, lãnh đạm, buông xuôi trong lối sống đạo của mình. Nó không cung cấp cho con người một niềm tin xác tín tuyệt đối vào con đường mình đang đi. Rồi khi con người vấp ngã, thất vọng, chán nản sẽ tìm đến một con đường khác vì "đạo nào cũng tốt" mà. Sống đạo giống như "sống thử" vậy. Không tìm thấy hạnh phúc trong lối sống đạo này thì đi tìm cái khác. Dần dần con người sẽ có thái độ buông xuôi, "sao cũng được". Thái độ này không đưa người ta tới một sự bình an thực sự, điều mà một tôn giáo đích thực phải mang lại cho mọi người. Ngược lại, đó chỉ là một sự bình an giả tạo, tạm bợ và tương đối. Hơn nữa thái độ dửng dưng này khiến con người trở nên thờ ơ trên con đường đi tìm chân lý, sự thật.

Khi chấp nhận sự bình đẳng của các giá trị tôn giáo, con người dường như quyết định dừng bước trên con đường đi tìm sự thật, chân lý. Phải chăng tôn giáo nào cũng đưa con người tới một chân lý tuyệt đối? Chúa Giêsu đã từng cảnh báo rằng: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi." (Mt 7, 15) hoặc "Thật vậy, sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể." (Mt 24, 24) Niềm tin tôn giáo nơi con người phải là một niềm tin sáng suốt chứ không phải là một niềm tin mù quáng. Con người cần phải biết mình đang tin vào cái gì. Niềm tin tôn giáo là một ơn huệ nhưng nó đòi hòi sự cộng tác của con người. Con người có lý trí với sự khôn ngoan để suy tư, tìm tòi, học hỏi và trên hết là để đào sâu niềm tin tôn giáo của mình. Tin không phải là nhắm mắt lại để rồi mò mẫm, quờ quạng và chấp nhận mọi thứ. Sống niềm tin của mình là mở mắt ra để đón nhận những mạc khải, sự kiện để rồi phân biệt đâu là chân lý, đâu là giả dối. Tôn giáo thực thụ là con đường đưa con người tới chân lý. Sống tôn giáo đích thực là một hành trình rèn luyện con người trở nên trưởng thành hơn trong niềm tin của mình nơi một chân lý tuyệt đối. Nó thúc đẩy con người luôn luôn tìm kiếm chân lý để rồi dám bảo vệ và sống với chân lý đó. Giáo hội Kitô giáo đem lại cho chúng ta một niềm tin vào một chân lý như vậy.

Có thể nói Kitô giáo đã được người Việt Nam đón nhận một cách khá suôn sẻ mặc dù không tránh khỏi những khó khăn. Mặc dù giáo lý Kitô giáo mang tính độc tôn chân lý nhưng nó cũng mang những nét phù hợp với tính chất nữ tính cũng như hòa tính của văn hóa Việt. Với tính chất hòa tính, người Việt sẵn sàng đón nhận các tôn giáo trong đó có Kitô giáo một cách cởi mở, thân ái. Sở thích và phong tục tổ chức lễ hội rất phù hợp với cách tổ chức của Kitô giáo như các hội đoàn trong giáo xứ, rước kiệu, dâng hoa, lễ Giáng Sinh, vân vân. Đời sống tu đức của Kitô giáo trong đó Thiên Chúa vừa là Đấng Tối Cao nhưng cũng rất gần gũi phù hợp với chất hòa tính của người Việt. Về chất nữ tính thì có lẽ lòng sùng kính Đức Mẹ cho thấy rõ nhất sự tương đồng giữa văn hóa Việt và Kitô giáo. Một sự tương đồng khác nữa đó là lòng tôn trọng đặc biệt của Kitô giáo đối với phụ nữ, được thể hiện rất rõ qua cách cư xử của Chúa Giêsu đối với họ. Và cuối cùng là lòng mộ đạo nơi người Việt khiến họ đón nhận Kitô giáo dễ dàng. Người Việt có tính tín ngưỡng rất cao. Vì vậy có vẻ như giáo lý Kitô giáo mang tính giáo điều nhưng lại rất phù hợp với văn hóa Việt mang tính hòa tính và nữ tính đầy chất thần bí.

Nền văn hóa mang đậm tính chất hòa tính và nữ tính đã nhào nặn nên những con người khao khát sống hài hòa với thiên nhiên, với mọi người và mang tính chất thần bí. Do đó họ sẵn sàng đón nhận những gì là thiêng liêng với một niềm tin mãnh liệt. Vì vậy chủ trương "Đạo nào cũng tốt" nơi người Việt là chuyện không tránh khỏi. Quan niệm đó không xấu nhưng nó có thể để lại trong con người một cách vô thức những thái độ thờ ơ, lãnh đạm, buông xuôi trong lối sống đạo. Nguy hiểm hơn hết là thái độ chấp nhận sự dừng bước trong con đường tìm kiếm sự thật. Tôn giáo có lẽ không mang lại lợi ích cho con người nếu nó chỉ dừng lại ở mức độ các luật lệ, nghi thức. Sống với niềm tin tôn giáo là một hành trình đào sâu đức tin của mình qua việc luôn tìm kiếm chân lý. Đạo Kitô giáo đã và đang đem lại cho người Việt một lối sống với niềm tin như vậy. Tuy đạo lý của nó mang tính giáo điều nhưng lại rất phù hợp với nét văn hóa của Việt Nam. Điều đó đã giúp ích rất nhiều cho người Việt trong đời sống tín ngưỡng của mình.


[1] Francois Varillon, bản Việt ngữ Người Kitô hữu trước các tôn giáo lớn, tr. 21.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét