Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Tĩnh tâm 3/2010

Tĩnh tâm Mùa chay 2010
Chủ đề: Trưởng thành trong tình yêu


Đây là buổi tĩnh tâm đầu tiên của nhóm tại Tu Viện Phanxicô Thủ Đức. Một điều “hơi” ngạc nhiên là mặc dù địa điểm tĩnh tâm khá xa nhưng các bạn lại hiện diện khá đông đủ (có lẽ các bạn tham gia đầy đủ nhất từ trước tới giờ, đây có thể coi như một sự kiện lịch sử). Điều này chứng tỏ các bạn thực sự khao khát chuẩn bị tâm hồn để mừng Chúa Phục Sinh. Tôi có thể quan sát và cảm nhận được bầu khí sốt sắng và tinh thần vui tươi của các bạn suốt buổi tĩnh tâm. Hơn nữa, dường như nhu cầu chia sẻ của các bạn còn rất nhiều,
một ví dụ điển hình là các bạn sẵn sàng hy sinh giờ nghỉ trưa để tiếp tục “tám” (mình cứ coi như các bạn chia sẻ về các biểu tượng, về tình yêu, …; mình giả sử vậy bởi vì mình không có mặt lúc đó, haha). Những gì tôi vừa viết là cảm nhận chung về buổi tĩnh tâm. Sau đây, tôi xin phép các bạn cho tôi tóm tắt sơ nội dung buổi tĩnh tâm để chúng ta có thể nắm bắt được những gì mọi người đã chia sẻ (chứ không thôi quên hết, uổng lắm, đây là những kinh nghiệm rất quí báu)

Chủ đề của buổi tĩnh tẫm quá rõ ràng và quen thuộc, chúng ta nói về TÌNH YÊU. Trong phần chia sẻ của thầy Thắng, chúng ta chia sẻ “Tình yêu là gì?” Thật khó có thể trả lời một cách tổng quát cho câu hỏi “Tình yêu là gì?” vì phạm vi của nó quá lớn. Tôi chắc chắn rằng mỗi bạn có một định nghĩa về tình yêu khác nhau, và tất cả đều đúng hết vì đó là kết quả của cả một hành trình trong cuộc đời của bạn. Định nghĩa về tình yêu tuỳ thuộc theo nhãn quan và kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Triết gia Pascal nói “Tình yêu nâng cao con người thoát khỏi sự tầm thường.”; hay như đại văn hào Saint Exupery nói “Khi hai người yêu nhau, họ không nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng.” Nói chung tình yêu rất phong phú không thể định nghĩa hết được. Chúng ta cũng nói về “Tình yêu được diễn tả như thế nào?” Tình yêu được diễn tả qua mối tương quan giữa người với sự vật, giữa người với người và giữa người với Thiên Chúa. Do đó có rất nhiều  loại tình yêu: tình yêu thiên nhiên (người với sự vật); tình yêu huynh đệ, phu thê, phụ tử, nam nữ (người với người); tình yêu hiến dâng hy sinh (Thiên Chúa với con người). Chính vì vậy, trong phần chia sẻ của Bác ba, chúng ta được biết có 4 cấp độ tình yêu:
  • Tình yêu gia đình.
  • Tình yêu bạn bè ngoài xã hội.
  • Tình yêu eros (tiếng Hy Lạp), hay còn gọi là tình ái.
  • Tình yêu agape, tình yêu của Thiên Chúa.
Có lẽ các bạn đã quá quen 2 cấp độ tình yêu đầu. Còn tình yêu eros là gì? Có nhiều tên gọi cho tình yêu này: tình yêu xác thịt, tình yêu nhục dục, tình yêu vị kỷ, tình yêu có điều kiện, tình yêu có tính toán, … Nói chung, đây là tình yêu giữa ngưòi với người nhưng mang tính ích kỷ bởi vì một hoặc cả hai chủ thể yêu chỉ biết nghĩ tới mình thay vì nghĩ tới người mình yêu. Tình yêu này làm cho ta muốn “chiếm hữu” người mình yêu: nàng (chàng) chỉ thuộc về mình mà thôi, thằng nào (con nào) mà đụng vào là biết tay ông (bà). Tuy nhiên không phải vì vậy mà tình yêu eros mang ý nghĩa xấu. Đây là một điều rất bình thường khi 2 người yêu nhau: khi chàng gặp nàng lần đầu tiên, thấy hấp dẫn mình (có thể vì ngoại hình, tính tình dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ – nhưng các bạn nam phải cẩn thận coi chừng mật ngọt chết ruồi, …), nàng cũng thấy “khoái” chàng (có thể vì chàng đi xe @, bảnh trai như Từ Hải – vai năm thước rộng thân một “tấc hai”, đẹp trai con nhà giàu học giỏi viết chữ to, lại còn galăng nữa, thế thì các cô gái chỉ có “chết”). Đó là tình yêu eros. Thế nhưng, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, con người không chỉ dừng lại ở mức tình yêu eros mà đuợc kêu gọi tiến tới tình yêu agape, tình yêu tha hướng. Tình yêu tha hướng là tình yêu vì người khác, nghĩ tới người mình yêu trước, tình yêu không muốn chiếm hữu nhưng tình yêu làm cho người mình yêu được tự do: hai ta yêu nhau nhưng em làm cho anh ngày càng là anh hơn, anh làm cho em ngày càng là em hơn, đó là ý nghĩa hai ta tuy hai mà một, tuy một mà hai. Anh yêu em đơn giản vì em, đơn giản vì đó là em; và ngược lại. Tình yêu này đạt tới “cực điểm” nơi tình yêu Chúa Giêsu dành cho con người: dám hy sinh cả mạng sống mình vì người mình yêu. Đây là tình yêu mà chúng ta cần đạt được: bắt đầu từ eros cho tới agape. Đây là “ơn gọi” chung cho tất cả mọi người. Nghe có vẻ khó nhưng “không có gì khó, chỉ sợ làm không được thôi”. Đừng lo, Bác ba có đưa ra một số điều mà qua đó có thể giúp ta sống tình yêu agape với 3 “hãy”:
  • Hãy quan tâm: nhu cầu cơ bản của con người là cần sự chú ý của người khác. Bạn gái mình còn muốn gì hơn khi ta tặng cho nàng một bó hoa “bự” nhân dịp lễ Tình yêu. Tuy nhiên cái này có thể làm cho ta bị viêm màng túi. Một câu hỏi thăm, một cái chạm nhẹ qua cái nắm tay, cho nàng mượn bờ vai, … Nói chung có nhiều cách, bằng lời nói và hành động.
  • Hãy khuyến khích: khi con người gặp khó khăn, khủng hoảng chính là lúc mà họ cần ta ở bên cạnh. Hãy là nụ cười, là niềm vui, là hy vọng, là ủi an cho người mình yêu.
  • Hãy thách đố: đây là cái khó nhất. Nếu ta yêu bằng eros thì ta sợ thách đố và sợ bị thách đố. Lúc yêu, ta chỉ thấy nơi ngưòi mình yêu mọi thứ đều đẹp hết. “Chàng” của mình hơi thấp nhưng mọi người phải ngước nhìn. Da của “nàng” hơi ngăm đen nhưng đó là “mốt”. Ta sợ nhìn vào cái “xấu” của bạn mình. Tình yêu agape làm cho mỗi người thăng tiến khi 2 bên dám thách đố nhau, không phải để chà đạp nhau nhưng là để hiểu và yêu nhau hơn.

Phần chia sẻ về biểu tượng tình yêu của mỗi người cũng rất phong phú. Một số bạn chọn một chiếc lá vàng, một hòn sỏi sần sùi đen xì để nói lên cảm giác sống xa Chúa, khô khan trong đời sống đạo. Một số thì “bứt” lá xanh trên cành cho thấy mối tương quan của mình với người khác và với Chúa lúc này như thế nào. Một bạn cảm thấy mình như “cây cỏ” giữa cánh đồng đang lớn lên trong mưa hồng ân của Chúa. Thật là “ướt át”, nhưng có bạn còn ướt át hơn: cuộc đời mình như một dòng sông chảy xiết, cứ trôi qua mà không đợi chờ ai, để lại cho mình một cảm giác hối tiếc vì đã không múc lấy những hồng ân của Chúa mà để nó trôi đi. Cũng với dòng sông nhưng lại là một kinh nghiệm khác: cứ để mình trôi theo dòng nước vì đó là ý Chúa muốn dẫn con đi, đừng dại gì mà bơi ngược dòng vì sẽ kiệt sức mà chết đuối. Một bạn coi mình như một cái cây (không biết cây gì nữa) đang lớn lên. Cây này có thể đem lại bóng mát cho người khác, đó là niềm vui, là tình yêu agape; nhưng cây này cũng có thể là cây sống ký sinh phụ thuộc vào ngưòi khác: mình chưa là chính mình. Có bạn chọn biểu tượng là chiếc “dép Bitis, bàn chân Việt” qua câu nói của Chúa Giêsu “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, mình là chiếc dép để theo gót Chúa. Có một bạn chia sẻ về hình ảnh những “cái lu” tràn đầy nước để trả lời câu hỏi “Thiên Chúa có thiên vị trong việc phân phát hồng ân không?” Lu thì có lu lớn lu nhỏ nhưng điều quan trọng là cái lu nào cũng đầy nước hết, hồng ân của Chúa lúc nào cũng tràn đầy cho mỗi người. Nếu mình là cái lu lớn thì hồng ân Chúa tràn đầy, nếu mình là lu nhỏ thì hồng ân Ngài cũng đầy tràn. Cái quan trọng ở đây là sự “tràn đầy”. Thật là đẹp! Những biểu tượng và chia sẻ của các bạn đều rất đẹp và ý nghĩa. Bởi vì tất cả những kinh nghiệm đó là kinh nghiệm về Tình yêu agape của Thiên Chúa dành cho bạn. Cho dù bạn cảm thấy mình khô khan, tội lỗi, đời mình thật “chó má” nhưng đó lại là một kinh nghiệm về tình yêu của Chúa. Cho dù đời mình là một bể khổ (còn hơn Thuý Kiều nữa) nhưng chính lúc hôm mà bạn nói lên cảm xúc đó lại trở thành một kinh nghiệm về tình yêu Chúa. Nghe thật phi lý, khổ mà lại là một kinh nghiệm về tình yêu Chúa. Đó là mầu nhiệm của tình yêu. “Anh ch? mang ??n cho em tồn là ?au kh? ... Cĩ l? vì v?y mà em yêu Anh. B?i vì ni?m vui thì d? quên, cịn ?au kh? thì khơng bao gi?.” (LERMONTOV ) Hay như đại văn hào Victor Hugo nói: “Ai kh? vì yêu hãy yêu h?n n?a. Ch?t vì yêu là s?ng trong tình yêu.”

Buổi tĩnh tâm kết thúc bằng thánh lễ, một bữa tiệc tình yêu agape của Thiên Chúa dành cho nhóm chúng ta. Chác chắn rằng mỗi bạn sau buổi tĩnh tâm đều mang trong mình một kinh nghiệm tình yêu Chúa mà trước đây mình đã có rồi, nhưng mình không ý thức. Thinh lặng là cơ hội cho mình cảm nhận nó. Mình thấy các bạn thật vui (hy vọng đúng là như vậy), chứng tỏ các bạn đang yêu. Một người đang yêu là một người vui. Tuy nhiên, sau buổi tĩnh tâm này, xin Chúa cho mỗi người chúng ta yêu bằng tình yêu agape để cho niềm vui ngày càng trọn vein hơn.

Chúc các bạn một Tuần thánh và Mùa Phục Sinh an lành, chúc mỗi người là một cái lu tràn đầy hồng ân Ngài để rồi chảy tràn tình yêu agape cho người khác.

Cám ơn các bạn nhiều!

Nguyễn Huy Hoàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét