Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Einstein – thiên tài của mọi thiên tài


Einstein – thiên tài của mọi thiên tài


Năm 2005 đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức gọi là Năm quốc tế về vật lý và nước Đức tuyên bố năm 2005 là Năm Einstein. Trong vật lý học có 2 người khổng lồ - Issac Newton (1642-1727) và Albert Einstein (1879 - 1955).
Einstein sinh ra lúc 11h30 ngày 14/3/1879 tại Ulm, Đức, trong một gia đình gốc Do Thái. Gia đình từng sợ ông bị thiểu năng trí tuệ vì đến 4-5 tuổi ông vẫn chưa biết nói. Einstein học trung học ở Munich, thường bị xếp cuối lớp vì không chịu học thuộc lòng.
Tháng 10/1896, mới 17 tuổi, Einstein theo học Học viện Bách khoa Zurich. Năm 1900, ông tốt nghiệp đại học và lâm vào cảnh thất nghiệp. Mãi đến tháng 6/1902, ông mới xin được việc tại cơ quan cấp bằng sáng chế liên bang tại Berne (Thụy Sĩ) với mức lương 3500 franc Thụy Sĩ. Năm 1903, ông kết hôn với Maric Mileva - một bạn học cũ. Năm 1904, họ sinh con trai đầu lòng.
Năm 1905 (26 tuổi), Einstein hoàn thành một lúc 4 công trình nghiên cứu quan trọng: Phương pháp xác định mới về độ lớn của phân tử, Thuyết quang lượng tử; Chuyển động Brown; Bàn về điện động lực học của các vật thể động.
Công trình thứ 4 là nghiên cứu đầu tiên về Thuyết tương đối. Trước đó, cơ học Newton xây dựng trên cơ sở thời gian tuyệt đối và không gian tuyệt đối. Newton cho rằng trong bất kỳ điều kiện nào thì độ dài thời gian đo được luôn luôn như nhau. Einstein thì chứng minh được rằng độ dài thời gian đo được trong những điều hiện khác nhau là không giống nhau. Về không gian cũng tương tự như vậy. Đó là tóm tắt ngắn nhất về Thuyết tương đối hẹp. Phương trình nổi tiếng E = mc2 cũng ra đời trong năm này và được coi là một trong những phương trình vật lý học nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Einstein đi đầu mọi nhà thông thái khác về hàng loạt vấn đề: Luật chuyển động của vũ trụ; tia sáng từ các hành tinh xa khi tiến đến gần mặt trời sẽ bị cong đi do lực hút từ mặt trời; cách định lượng các nguyên tử nhỏ li ti; nhịp độ trôi của thời gian phụ thuộc vào người quan sát…
Tuy vậy, khi gặp ông, các nhà bác học rất ngạc nhiên vì thấy ông chỉ là một viên chức quèn, đầu bù tóc rối, áo quần nhàu nát, chuyên đi xe đạp.
Mãi đến năm 1910, nhờ sự giới thiệu của giáo sư Klein Đại học Zurich mời Einstein đến giảng dạy với mức lương là 4.000 franc Thụy Sĩ - số tiền vừa đủ nuôi sống gia đình ông thời ấy.
Năm 1916 (ở tuổi 37), ông công bố một công trình nghiên cứu mới ở trình độ rất cao: Lý thuyết tương đối tổng hợp. Lý thuyết này liên quan đến năng lượng nguyên tử. Từ công thức cũ E = mc2 có thể thấy với một khối lượng cực nhỏ có thể giải phóng một năng lượng cực lớn. Các hạt cơ bản chuyển động càng nhanh bao nhiêu thị lực càng lớn bấy nhiêu, có thể làm tăng vận tốc của chúng đến một trị số đã cho, tức là khối lượng tương đối của chúng càng lớn lên bấy nhiêu. Cốt lõi của Lý thuyết tương đối tổng hợp là Nguyên lý tương đương - Trọng lực và Quán tính cũng thế cả thôi. Trọng lượng luôn luôn tỷ lệ với khối lượng quán tính. Mọi định luật của tự nhiên đều như nhau đối với bất kỳ người quan trắc nào.
Einstein có tính ưa khôi hài. Có lần vua hề Charlie Chaplin nhận được thư khen của Einstein sau khi xem phim Nhật ký đào vàng. Einstein viết: Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại. Chaplin đã dí dỏm có thư phúc đáp như sau: Tôi càng kính phục ngài hơn. Thuyết tương đối của ngài không ai hiểu gì cả thế mà ngài đã trở thành một nhân vật vĩ đại rồi.
Có lần Einstein bị một nhóm ký giả vây quanh. Một người hỏi: Thưa ngài, giữa thời gian và sự vô tận có sự khác biệt như thế nào? Einstein vui vẻ trả lời: Ông bạn thân mến, nếu tôi có thời gian để giải thích cho bạn sự khác biệt đó thì sẽ là sự vô tận trước khi bạn hiểu điều đó.
Einstein có cuộc sống rất thanh thản, giữa các giờ nghiên cứu miệt mài ông thường tự thư giãn bằng thú vui kéo violon hay tập thể dục. Ông cũng có tính đãng trí bác học. Có lần, trên xe buýt ông đánh rơi kính. Đang lom khom sờ soạng dưới sàn xe thì cô bé đứng đối diện nhặt chiếc kính dúi vào tay ông. Ông vồn vã: Cám ơn cháu. Cháu tên là gì nhỉ? Cô bé véo má ông: Con là Clara Einstein đây bố ạ.
Einstein sống rất vui vẻ với bạn bè và các học trò của mình. Tuy nhiên, người đời vẫn gọi ông là Lữ khách cô đơn - mặc dù ông đã có 2 đời vợ và khá nhiều người tình.
Tuy là người Đức nhưng vì có gốc Do Thái (đã có lần được đề nghị làm Tổng thống Israel nhưng ông từ chối), nên ông bị buộc rời Đức vào năm 1933. Ông sang dạy học ở Pháp, Bỉ, sau đó sang Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ. Tại đó, ông bị cơ quan tình báo FBI lập hồ sơ theo dõi dày tới 1.427 trang. Trong một bức thư gửi Johann Fantova, người tình trong nhiều năm cuối đời, ông than vãn: “Không thể vượt qua được thế lực của những kẻ ngu dốt, vì chúng quá đông”.
Einstein được nhận giải thưởng Nobel vào năm 1921. Nhân loại luôn biết ơn ông và hình ảnh ông được in trên tem, đúc tượng, vẽ tranh và đặt tên đường phố tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1945, ông đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Roosevelt khuyên can không nên sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng Mỹ không nghe và đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Tháng 5/1946, ông được bầu làm Chủ tịch ủy ban cảnh giác của các nhà bác học nguyên tử. Cho đến trước khi mất (1955), lúc nào ông cũng tích cực đấu tranh chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân
Cuốn sách mới Einstein Scrapbook của Ze'ev Rosenkranz, do Johns Hopkins Press phát hành, đã tiết lộ nhiều điều về nhà khoa học được mến mộ nhất thế kỷ 20. Các trích dẫn cho thấy ông không chỉ lỗi lạc mà còn rất can đảm và khiêm nhường.
“Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ tò mò một cách đầy đam mê”.
“Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể tận hướng là sự bí ẩn. Đó là nguồn gốc của mọi nghệ thuật và khoa học đích thực”.
“Tôi thực sự lấy làm tiếc không thể nhận lời mời của quý ngài, bởi tôi thích được ở trong bóng tối hơn là bị đưa ra phân tích”. (Hồi đáp đề nghị ông tham gia một cuộc phân tích tâm lý, 1927).
“Tôi vô cùng cảm động trước lời mời của Chính phủ Israel (về làm tổng thống nước này), và lấy làm xấu hổ thú nhận rằng tôi không thể đảm đương chức vụ này. Cả đời tôi làm việc với những vấn đề khách quan, vì vậy tôi thiếu năng lực bẩm sinh cũng như kinh nghiệm để ứng xử hợp lý với con người và đảm đương nhiệm vụ quản lý”.
“Những nỗ lực về mặt kỹ thuật phải tính đến con người và số phận của họ đầu tiên. Đừng bao giờ quên điều đó trong đống biểu đồ và công thức”.
“Khi một con bọ mù bò trên bề mặt địa cầu, nó không nhận ra rằng con đường đang đi bị cong. Tôi là người may mắn đã nhận ra điều đó”?
“Nếu trẻ lại, tôi sẽ không trở thành nhà khoa học, học giả hay giáo viên. Tôi chỉ muốn làm thợ sửa ống nước hay người bán rong với hy vọng có được sự độc lập tối thiểu trong điều kiện hiện tại”.
“Đừng lo lắng về những khó khăn mà cháu gặp phải trong môn toán. Bác cam đoan với cháu rằng bác gặp nhiều khó khăn trong môn toán hơn cháu rất nhiều”. (Trích bức thư gửi một em bé 12 tuổi).
“Ôi khổ thân tôi chưa!” (Khi nghe tin về cuộc ném bom ở Hiroshima, 1945).
“Để trừng phạt tôi về sự coi khinh quyền lực, số phận đã bắt tôi phải làm chủ quyền lực của chính mình”'
Bao giờ sẽ xuất hiện một Einstein mới?
Liệu sẽ có một Einstein khác trên bầu trời khoa học? Đây là chủ đề tranh luận ngầm đang diễn ra tại các cuộc hội thảo tưởng nhớ nhà bác học lừng danh này. Nhưng có thể từ nay đến đó sẽ dài hơn. Ít nhất, cũng đã có hơn 200 năm cách biệt giữa Einstein và “đối thủ” gần ông nhất - Isaac Newton.

Nhiều nhà vật lý cho rằng Einstein thứ hai đến giờ vẫn chưa ra đời, hoặc mới chỉ là một cậu bé. Đó là bởi cuộc truy tìm một lý thuyết hợp nhất tất cả các loại lực trong tự nhiên đã đẩy những bài toán hiện nay tới giới hạn của nó. Các bài toán mới phải được tạo ra trước khi vấn đề có thể được giải quyết.
Các nhà nghiên cứu cho biết cũng có nhiều nhân tố khác đang cản trở một Einstein mới xuất hiện.
Trước tiên, vật lý là ngày nay đã trở nên rất khác biệt. Ở thời kỳ của Einstein, chỉ có vài nghìn nhà vật lý học trên toàn thế giới, và các nhà lý thuyết - những người có thể phản biện kiến thức với Einstein có lẽ chỉ đủ để nhét vào một chiếc xe khách, mà sẽ vẫn còn trống nhiều chỗ. Thêm nữa, giáo dục thời đó cũng khác xa so với ngày nay. Một nhân tố quyết định trong việc giáo dục Einstein đã bị bỏ qua nhà sử học khoa học của Đại học Notre Dame, Don Howard, nói - là những năm tháng đọc triết học khi ông còn là một cậu bé, triết học của Kant, Schopenhauer và Spinoza cùng với những người khác. Nó dạy cho ông cách suy nghĩ độc lập và trừu tượng hoá về không gian và thời gian, và điều đó xảy ra không lâu trước khi chính ông trở thành một nhà triết học.
“Sự độc lập được tạo ra từ quan điểm triết học, theo tôi, là điểm khác biệt độc đáo giữa một thợ thủ công thuần tuý hoặc một chuyên gia và một người đi tìm sự thật phía sau sự thật”, Einstein viết năm 1944.
Và ông còn là một nhạc sĩ tài hoa. Sự tương tác giữa âm nhạc và toán học của ông được nhiều người biết đến. Einstein sẽ chơi dữ dội một bản nhạc violon khi đang cân nhắc đến các rắc rối của vật lý.
Ngày nay, các trường đại học tạo ra hàng triệu nhà vật lý. Không có nhiều nhiệm vụ khoa học cho họ, vì thế họ đến phố Wall và Thung lũng Silicon để sử dụng kỹ năng phân tích của mình vào những việc thực tế hơn - trong những nỗ lực bổ ích hơn.
Những người còn lại làm việc không đơn độc. Tại các phòng thí nghiệm như CERN, trung tâm vật lý hạt lớn nhất thế giới ở Thuỵ Sĩ, 100 nhà nghiên cứu hợp tác trong một thí nghiệm nguyên tử duy nhất, và việc công bố kết quả kéo dài nhiều năm.
Thật khó mà tưởng tượng được một “kẻ nổi loạn” giống như Einstein chịu đựng được điều đó. “Có thể đang tồn tại một Einstein đâu đó bên ngoài các phòng thí nghiệm, nhưng tiếng nói của anh ta ngày càng khó lọt đến giới khoa học hơn”, nhà vật lý Brian Greene ở Đại học Columbia nhận định.
Đặc biệt là khi xem xét đến những điều mà Einstein đề xuất.
“Kết cấu thực sự của đường cong không gian và thời gian? Chúa ơi, quả là một ý tưởng lạ lùng, Chắc chắn sẽ có vài người đập đầu vào tường nói bạn nói bạn tin rằng sẽ tìm thấy giải pháp”, Green bình luận. Có lẽ ví dụ tốt nhất là 5 bài báo khoa học mà Einstein viết trong “năm màu nhiệm của ông” - năm 1905. Những “thí nghiệm của ý nghĩ” này là những tính toán được gửi tới tạp chí danh tiếng Annalen den Physik từ một người vô danh tiểu tốt. Không có chú thích hoặc đề dẫn nào cho chúng. Và điều gì có thể xảy ra đối với một bài báo kiểu đó ngày nay? “Chúng ta đặt tất cả những bài viết đó trong hộp thư, mục những ý tưởng quái dị”, Greene nói thêm.
(Theo AP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét