Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Nồi da xáo thịt

Đất nước Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước không những phải đấu tranh với giặc ngoại xâm mà còn xảy ra khá nhiều nội chiến giữa các phe phái. Đây là một kinh nghiệm đau thương vì đất nước bị chia rẽ, chính người Việt lại chém giết người Việt trong những lúc đất nước không còn giặc ngoại xâm.
Tiêu biểu nhất trong những phân rẽ kiểu "Nồi da xáo thịt" này là thời kỳ Nam Bắc triều giữa nhà Lê và nhà Mạc, chiến tranh Trịnh Nguyễn (Đàng Trong và Đàng Ngoài). Tưởng chừng như Việt Nam thực sự yên ổn khi đánh đuổi được giặc ngoại xâm nhưng chính những chia cắt này đã đưa đất nước vào tình trạng chiến tranh liên tục. Tuy nhiên đó là lịch sử, chiến tranh đã kết thúc, không còn sự chia rẽ nữa. Nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ảnh hưởng của nó lên chính con người Việt hôm nay.

Trước hết tôi muốn nói sơ qua hai thời kỳ đất nước bị chia cắt trong lịch sử Việt Nam: Nam Bắc triều[1] và chiến tranh Trịnh Nguyễn[2]. Từ năm 1504, nhà Lê bắt đầu suy sụp với sự sa đọa của các ông vua như Lê Uy Mục (1505 – 1509), Lê Tương Dực. Tình trạng này tạo cơ hội cho các bè phái nổi lên trong chính triều đình và chiến tranh giữa các thế lực đó làm khổ dân chúng. Chiến tranh giữa các bè phái kéo dài đến năm 1522, sau đó mọi quyền hành đều thuộc về Mạc Đăng Dung. Để bắt đầu cho triều đại của mình, ông phế vua Chiêu Tông, lập Lê Xuân làm vua. Năm 1527, khi nhận thấy sự bất lực của nhà Lê, ông ép buộc vua Lê nhường ngôi cho nhà Mạc. Triều đại của nhà Mạc bắt đầu, được gọi là Bắc triều. Tuy nhiên có một số quan chức của nhà Lê (Nguyễn Kim) đã lập nên một triều đình mới của nhà Lê ở Thanh Hóa, được gọi là Nam triều. Khi Nguyễn Kim mất, vua Lê cho Trịnh Kiểm – là con rể của Nguyễn Kim – nắm toàn bộ binh quyền. Chiến tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê kéo dài từ năm 1551 cho đến năm 1583, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nhân dân. Năm 1592, trận đánh lớn nhất đã kết thúc chiến tranh Nam Bắc triều. Nhà Mạc bị sụp đổ khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long. Cuộc chiến tranh không chỉ gây ra bao cảnh đau thương, chết chóc cùng với nhiều trai tráng chém giết lẫn nhau mà còn ảnh hưởng đến mùa màng gây nên nhiều trận đói.

Chiến tranh Nam Bắc triều chưa kết thúc được bao lâu thì nhân dân Việt Nam phải chịu đựng một cuộc nội chiến khác là chiến tranh Đàng Trong và Đàng Ngoài. Mầm mống cuộc chiến tranh này bắt nguồn từ trong cuộc chiến tranh Nam Bắc triều. Năm 1545, Nguyễn Kim bị mưu sát, Trịnh Kiểm lên thay thế nắm toàn bộ quyền hành. Để bảo vệ triều đại của mình, ông tìm cách loại trừ phe cánh của Nguyễn Kim mà trước hết là các con trai của ông. Nguyễn Uông, người con cả bị giết. Nguyễn Hoàng, người con thứ trốn thoát vào đất Thuận Hóa tập hợp anh em, bà con và các quan cũ của Nguyễn Kim để chống lại nhà Trịnh. Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay thế. Ông thay đổi chính trị tách dần khỏi sự phụ thuộc vào họ Trịnh bằng cách không nộp thuế nữa. Và chiến tranh Trịnh Nguyễn bắt đầu. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt và kéo dài từ năm 1627 cho tới 1672 mà không phân thắng bại. Vì vậy hai bên đã lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Đó là hai cuộc phân rẽ "Nồi da xáo thịt" tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam đã ảnh hưởng đến đất nước cũng như bản thân con người Việt cho tới ngày hôm nay. Ảnh hưởng đầu tiên là tinh thần đoàn kết của người Việt không được ổn định. Trong những lúc khó khăn như đất nước có giặc ngoại xâm thì mọi người cùng nhau xông pha sát cánh bảo vệ nước. Nhưng khi đã ổn định rồi thì lại chia bè phái tranh giành chức quyền đến nỗi sẵn sàng chém giết nhau. Ảnh hưởng này đã để lại những cách đối xử không đẹp giữa người Việt với nhau, đặc biệt là những người Việt ở nước ngoài. Nhiều người nói rằng người Việt sống ở nước ngoài thường không sẵn sàng giúp đỡ nhau. Những người đã có công ăn việc làm ổn định ở đó thường có cái nhìn coi thường những người đồng hương của mình mới tới. Người Việt có một "tật xấu" là "nếu không ăn được thì đạp đổ." Đó là thái độ ích kỷ không muốn tạo cơ hội cho người khác vươn lên vì sợ rằng họ sẽ hơn mình. Đó là sự chia rẽ rất đáng tiếc vì nó ảnh hưởng tới mối tương quan giữa người với người, tới tình đoàn kết yêu thương. Ảnh hưởng thứ hai là định kiến vùng miền về người khác. Thắc mắc mà người Việt thường hỏi về một người mới gặp là "Anh ta hay cô ta là người vùng nào?" Những người ở khác vùng thường có những cái nhìn tiêu cực về nhau. Anh ta hay cô ta là người ở vùng đó thì nhất định họ là thế này, là thế kia. Người Việt ta thường hay nói "Vơ đũa cả nắm" là vậy. Rất khó thay đổi định kiến của người Việt về người khác. Một ảnh hưởng khác là sự chia rẽ của các Kitô hữu trong các hội đoàn hay chính các thành viên trong cùng một hội đoàn tại các giáo xứ. Hậu quả thường là anh chị em nói xấu nhau, dèm pha nhau. Đây là một hậu quả thật đáng tiếc vì đáng lẽ mọi người được liên kết thành một trong Đức Kitô.

Người Việt vốn là những người đôn hậu sống hài hòa với đồng bào mình cũng như với người khác. Họ rất sẵn sàng liên kết giúp đỡ bản thân dân tộc mình cũng như tất cả mọi người trong những lúc khó khăn. Tuy nhiên những sự chia rẽ trong trong chính những lúc đất nước hòa bình như Nam bắc triều hay Trịnh Nguyễn đã ảnh hưởng rất nhiều đến con người Việt. Nhiều khi người trở nên ích kỷ không tạo cơ hội cho người bạn của mình tiến thân vì sợ thua kém. Định kiến vùng miền đã ngăn cản con người mở rộng đủ để đón nhận nhau. Vẫn còn rất nhiều sự chia rẽ trong lối sống đạo của người Việt. Đó là những ảnh hưởng không tránh khỏi. Tuy nhiên, không vì thế mà con người buông xuôi chấp nhận những ảnh hưởng đó. Người Việt với một ý chí vươn lên có thể vượt qua được những ảnh hưởng đó để giữ lại được những nét đẹp trong mối tương quan giữa người với người.


[1] Trương Hữu Quýnh và tgk., Đại cương lịch sử Việt Nam – Tập 1 (Hà Nội: Giáo dục, 2000), tr. 342-343.
[2] Trương Hữu Quýnh và tgk., Đại cương lịch sử Việt Nam – Tập 1 (Hà Nội: Giáo dục, 2000), tr. 343-352.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét