By Nguyen Huy Hoang
Có lẽ
không có cảm nghiệm nào tuyệt diệu hơn cảm nghiệm về tình yêu. Tình yêu là kinh
nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người. Chính vì sự cao quý của nó mà tình
yêu là nền tảng thước đo cho hành động của con người. Con đường nên thánh của Têrêsa
Hài Ðồng Giêsu
là không cần phải làm những công việc lớn nhưng làm những công
việc nhỏ với một tình yêu vĩ đại. Hay nói cách khác, tình yêu là yếu tố quyết định
cho việc làm của con người. Thánh Âu-tinh cũng có một câu nói tương tự “Cứ yêu đi
rồi sau đó có thể muốn làm gì thì làm.” Câu này rất dễ bị hiểu lầm. Vậy phải hiểu
nó như thế nào?
Giới
trẻ ngày nay hay lợi dụng câu nói này để rồi đưa ra những “yêu sách” đối với bạn
tình của mình. Ðể hiểu đúng câu này, trước hết cần phải khẳng định nền tảng của
mọi việc làm là tình yêu. Lưu ý thứ hai là chính việc làm cũng như kết quả của
nó sẽ minh chứng cho tình yêu đó. Cuối cùng, một điểm quan trọng nhất là chúng
ta phải xem xét lại hoa trái của tình yêu.
Trước
khi phân tích 3 khía cạnh trên, một điểm lưu ý quan trọng khác là mỗi người cần
phải trả lời câu hỏi “Tình yêu là gì?” Tình yêu tự nó là cao đẹp, nhưng cách hiểu
của mỗi người về nó có thể sai và dẫn tới những hành động sai trái. Theo tôi, tình
yêu ở đây cần phải hiểu là tình yêu tha nhân, tình yêu Kitô giáo – agape. Ðây là tình yêu vị tha, hy sinh vì
người khác, hướng tới tha nhân hơn là tới bản thân. Từ tính chất vị tha này mà
tình yêu là nền tảng của mọi việc làm của con người. Ðây là chiều thuận của câu
nói của thánh Âu-tinh: tình yêu phải có trước đã, để rồi từ đó con người đưa ra
những hành động. Dựa vào con đường nên thánh của Têrêsa, nếu một người dù tài
giỏi với bao việc làm lớn lao nhưng nếu thiếu tình yêu thì coi như vô ích.
Trong bài ca đức mến, thánh Phaolô cho thấy tính ưu việt của tình yêu trong tất
cả công việc (đặc sủng) và tính trường tồn của lòng yêu mến. Dù tôi có nói được
các thứ tiếng, ơn làm ngôn sứ, hiểu biết tất cả, thậm chí có lòng tin đến chuyển
dời núi non mà không có lòng mến thì tôi cũng chẳng hơn gì những thanh la phèng
phèng, chũm chọe, xoang xoảng. (1Cr 13) Do đó, câu nói của thánh Âu-tinh khẳng định
được nền tảng của hành động con người là tình yêu.
Việc làm
của con người cần phải được xây dựng trên nền tảng là tình yêu. Mọi việc làm của
con người phải xuất phát từ lòng yêu mến trước hết. Tuy nhiên, khi có tình yêu
rồi thì phải chăng ta muốn làm gì thì làm? Việc làm là một bằng chứng sống động
nhất và rõ ràng nhất cho tính chân thật của tình yêu (agapê). Tình yêu không chỉ ở lời nói nhưng còn hệ tại ở hành động.
Lúc này, cách hiểu về tình yêu đóng vai trò quyết định đến hành động. Nếu một
người hiểu tình yêu là tìm kiếm bản thân một cách ích kỷ và nhục dục thì sẽ dẫn
tới những việc làm sai trái. Những việc làm của anh ta không làm thăng tiến tình
yêu nhưng hủy hoại tình yêu vì đi ngược lại với bản chất của nó. Tình yêu là một
mối tương quan 2 chiều: cho đi và nhận lãnh. Do đó, nếu việc làm của anh ta không
mang lại tự do, sự thăng tiến và hạnh phúc cho người bạn của mình cũng như cho
chính bản thân thì anh ta chưa hẳn là đang yêu một cách chân thật đâu. Vì vậy,
“muốn làm gì thì làm” cần phải được hiểu là những việc làm mang lại sự lớn lên đích
thực cho cả 2 bên. Chính việc làm sẽ minh chứng cho tính xác thực của tình yêu
mà bạn dành cho người khác.
Tính chân
thật của tình yêu được thể hiện qua việc làm, hay nói khác đi, qua hoa trái của
tình yêu. Tình yêu là cái gì tốt đẹp thì tất nhiên phải sinh ta những hoa trái
tốt đẹp. Xem quả thì biết cây. Cây tốt ắt sẽ sinh quả tốt và ngược lại. Hoa trái
của tình yêu chân thật không thể là sự mất tự do, ích kỷ, thù hằn, ... Thánh
Phaolô trong thư gửi Corintô cho ta thấy hoa trái của tình yêu là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không
vênh vang, không kiêu ngạo, ... Lòng mến thì dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13, 4-7)
Con người
không hành động một cách vô nghĩa nhưng dựa trên nền tảng cao đẹp là tình yêu.
Chính vì có nền tảng là tình yêu mà việc làm của con người cũng mang một mục đích,
là vun đắp tình yêu đó. “Cứ yêu đi rồi sau đó có thể muốn làm gì thì làm” cho
thấy mọi việc làm của con người phải xuất phát từ tình yêu. Ngược lại, những
hoa trái tốt của việc làm đó là minh chứng cho một tình yêu chân thật, tình yêu
agapê, tình yêu vị tha.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét